Sản xuất và Quản trị môi trường
Tác giả: Soemon Takakuwa (Editor-in-chef), Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Đăng Minh (Co-editor)
Nhà xuất bản : NXB Chính trị Quốc gia, 2012
Khổ sách: 16 cm x 24 cm
Số trang: 370
Ngôn ngữ: Tiếng Anh
Giá: 500.000 VND
Cuộc sống hàng ngày và các hoạt động kinh tế của con người có mối quan hệ mật thiết với môi trường toàn cầu. Hệ thống kinh tế xã hội đã tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, rồi lại thải ra môi trường lượng chất thải khổng lồ trong đó có các loại khí nhà kính GHG, CO2.
Các tổ chức, bao gồm doanh nghiệp tư nhân phải thay đổi lại chiến lược thiết kế sản phẩm, dịch vụ cũng như cách thức kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường. Cách thức thay đổi chính là theo hướng tiết kiệm năng lượng, bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên giảm lượng rác thải xả ra môi trường.
Giảm thiểu các tác động bất lợi của hoạt động kinh doanh đối với môi trường tự nhiên trong khi vẫn sản xuất kinh doanh hiệu quả là mục đích chính của Quản trị sản xuất và môi trường.
Những năm gần đây, khi nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường được nâng cao, hiệu suất môi trường đã trở thành một thước đo quan trọng về giá trị của các tổ chức kinh doanh, bên cạnh hiệu quả kinh doanh và đóng góp xã hội.
Thảo luận về hiệu suất môi trường bao gồm các yếu tố chính sau: (1) Phát triển bền vững (2) Trách nhiệm sản xuất mở rộng (EPR) và (3) Quản trị môi trường.
Khát khao tìm ra giải pháp cho vấn đề này, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, các cơ quan chính phủ đã tiến hành một loạt nghiên cứu và giáo dục mang tên “Sản xuất và quản trị môi trường” trong Chương trình CORPS châu Á của JSPS (Hiệp hội khuyến khích khoa học Nhật Bản) từ tháng 4 năm 2008.
Cuốn sách này là bản tóm tắt đầy đủ về thành quả nghiên cứu và kinh nghiệm từ các chuyên gia hàng đầu Nhật Bản trong lĩnh vực quản trị môi trường và bảo tồn năng lượng, gồm các bài nghiên cứu và thảo luận liên quan được thực hiện bởi các chuyên gia Nhật Bản về quản lý môi trường và bảo tồn năng lượng tại các hội thảo của JSPS Asian CORE: (1) ngày 29 và 30 tháng 1 năm 2011 tại Nagoya, Nhật Bản (2) ngày 21 tháng 1 năm 2012 tại Tokyo, Nhật Bản (3) ngày 6 tháng 10 năm 2012 tại Hà Nội, Việt Nam.
Các nội dung chính của cuốn sách:
Chương 1: Quản trị sản xuất và môi trường từ góc nhìn quản trị công nghệ
Người đọc sẽ được cung cấp thông tin chung về mối quan hệ giữa các hoạt động công nghiệp và vấn đề môi trường, đồng thời hiểu được khái niệm về quản trị sản xuất và môi trường từ góc nhìn quản trị công nghệ.
Chương 2: Vấn đề môi trường và chính sách môi trường tại Nhật Bản
Chương 2 tập trung vào các vấn đề môi trường, từ lịch sử ô nhiễm công nghiệp tới hiện tượng nóng lên toàn cầu xảy ra gần đây tại Nhật Bản. Đồng thời các chính sách môi trường của Nhật Bản, công nghệ, lợi thế sản phẩm và khía cạnh liên quan khác cũng được đưa vào thảo luận.
Chương 3: Quản trị bảo tồn năng lượng và luật bảo tồn năng lượng.
Thông qua chương này, người đọc sẽ nắm bắt được phác thảo, phương pháp, tác động và các hoạt động liên quan tới Luật bảo tồn năng lượng Nhật Bản dưới góc nhìn quản trị năng lượng.
Chương 4: Hệ thống quản trị hóa chất
Chương bốn tập trung khai thác những vấn đề liên quan môi trường và an toàn trong ngành công nghiệp hóa chất, cùng với xu thế toàn cầu trong quản trị hóa chất và chính sách quản trị hóa chất.
Chương 5: Sản xuất và đánh giá vòng đời sản phẩm
Chương này sẽ giới thiệu tới người đọc Đánh giá vòng đời sản phẩm(LCA), một phương pháp định lượng tác động môi trường thông qua vòng đời sản phẩm trong các nền công nghiệp hạ, trung và thượng lưu.
Chương 6: Phương pháp giảm thiểu gánh nặng môi trường trong chuỗi vận chuyển và chuỗi cung ứng
Trong chương này, các vấn đề môi trường và chuỗi cung ứng trong vòng đời sản phẩm sẽ được thảo luận sâu hơn, thiết kế và thách thức của chuỗi cung ứng kín và chuỗi cung ứng carbon thấp cũng được đề cập.
Chương 7: Hệ thống quản trị môi trường
Độc giả sẽ có cái nhìn toàn diện về ISO 14000, hệ thống “EcoAction21” qua chương này, cũng như hiện trạng và sự phát triển trong tương lai.
Chương 8: Kế toán chi phí dòng vật liệu
Tổng quan về MFCA và nền tảng các tiêu chuẩn MFCA sẽ được giới thiệu tới người đọc, từ đó có thể nâng cao hiệu quả nguồn lực trong chuỗi cung ứng xác định.
Chương 9: Kế hoạch hành động Keidanren trong môi trường và xã hội carbon thấp
Chương này sẽ giới thiệu tổng quan các biện pháp đối phó của Keidanren trước vấn đề nóng lên toàn.cầu.
Chương 10: Hành động môi trường
Kết thúc trong chương cuối, người đọc sẽ được giới thiệu các kế hoạch hành động môi trường đáng chú ý. Đầu tiên là Toyota, tiếp đến là Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và tập đoàn Asahi Kasei.