Thực tế, câu chuyện năng suất thường trực ở mọi góc cạnh của cuộc sống chứ không chỉ tới công ty mới gò mình vào năng suất.
“Chúng ta muốn tăng năng suất, chất lượng, muốn làm ra những sản phẩm thật Made in Vietnam, bằng chính công nghệ và trí tuệ của người Việt thì trước tiên phải cắt giảm được lãng phí. Bởi vì thực tế, câu chuyện năng suất thường trực trong mọi góc cạnh của cuộc sống chứ không chỉ tới công ty mới gò mình vào năng suất.”
PGS.TS Nguyễn Đăng Minh phát biểu tại buổi đối thoại chính sách.
Đây là một phần quan trọng trong bài chia sẻ của PGS. TS Nguyễn Đăng Minh – Chủ tịch Hội đồng tư vấn Viện Quản trị tinh gọn GKM tại chương trình Đối thoại Chính sách “TĂNG NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG CHO VIỆT NAM” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), với sự hỗ trợ của Viện Konrad – Adenauer Stiftung (KAS) đã được tổ chức sáng 26/09/2018.
Buổi đối thoại không chỉ cung cấp cho các doanh nghiệp Việt cái nhìn rõ về toàn cảnh bức tranh của năng suất lao động (NSLĐ) Việt Nam. Chúng ta đã tiến gì so với lịch sử và đang đứng đâu trong bối cảnh nền kinh tế thị trường toàn cầu hiện nay.
Từ đó, doanh nghiệp cùng các chuyên gia đối thoại để tìm ra lời giải cho bài toán nâng cao NSLĐ. Nhật Bản đã từng làm sau thế chiến thứ 2 cũng như Singapore đã làm đầu thập niên 1960. Và giờ, tới lượt chúng ta.
Toàn cảnh buổi đối thoại chính sách.
Buổi đối thoại đã thẳng thắn chỉ ra: năng suất lao động của nước ta vẫn ở mức thấp khi so sánh với NSLĐ bình quân của thế giới. Cụ thể năm 2017, NSLĐ nước ta chỉ bằng 1/2 các nhóm nước thu nhập trung bình thấp, và bằng 18,3% nhóm các nước trung bình cao. Có thể nói, chúng ta đang rất khó bắt kịp ngay cả các nước trong khu vực là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Campuchia.
Chỉ bằng cách nâng cao năng suất, Việt Nam mới có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình, cơ cấu lại các ngành công nghiệp và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu – các chuyên gia tại buổi đối thoại nhận định.
Kết quả nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cũng chỉ ra việc thay đổi để nâng cao NSLĐ không chỉ còn phụ thuộc vào cường độ vốn mà đòi hỏi thay đổi căn bản về mặt tư duy về cách tổ chức cuộc sống, tổ chức sinh hoạt và các yếu tố khác có liên quan như đổi mới công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến quản lý…
Năng suất lao động Việt Nam so sánh với các nước. Nguồn: VEPR
Tại buổi đối thoại, PGS.TS. Nguyễn Đăng Minh đã chia sẻ: năng suất, chất lượng – là 2 yếu tố quan trọng của nền kinh tế thị trường nhưng thực tế; việc tăng năng suất phải xuất hiện từ trong suy nghĩ, phải tăng từ tổng thể, câu chuyện năng suất phải thường trực ở khắp miền cuộc sống, các công việc đó phải năng suất cứ không phải đến công ty mới gò mình vào năng suất.
Doanh nghiệp tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Singapore… đều áp dụng mô hình quản trị tinh gọn phù hợp với thực tiễn của mình (Quản trị tinh gọn Made in USA, Quản trị tinh gọn Made in Japan, Quản trị tinh gọn Made in Singapore…) và Việt Nam chúng ta có Mô hình quản trinh tinh gọn Made in Vietnam (hay còn gọi là Quản trị tinh gọn GKM).
Từ thực chứng kết quả tư vấn áp dụng thành công trong chính môi trường Việt Nam tại Thaco Trường Hải, Tổng công ty Giấy Việt Nam (Giấy Bãi Bằng), TCT khoáng sản Việt Nam Vimico (Luyện Đồng)…v.v, PGS.TS. Nguyễn Đăng Minh khẳng định người Việt chúng ta hoàn toàn có thể dùng quản trị tinh gọn Made in Vietnam để giải bài toán năng suất lao động…
Bắt đầu bằng sự thay đổi tư duy, mà nền tảng là tâm thế và tư duy tinh gọn, chúng ta sẽ hình thành được lối sống lành mạnh, gọn gàng, loại bỏ lãng phí trong chính đời sống.
Từ đó đem vào công việc sản xuất, dịch vụ, quản trị tinh gọn sẽ góp phần loại bỏ lãng phí trong sản xuất cũng như tăng cường các sáng kiến cải tiến sản xuất, hướng tới được tăng NSLĐ và phát triển bền vững.
Như vậy, muốn tăng suất lao động, về cơ bản, cần thay đổi từ trong chính tư duy. Có tư duy tinh gọn thì không chỉ cuộc sống năng suất hơn mà lao động và sản xuất cũng tự nó tăng hiệu quả, năng suất.